Thứ Sáu, 2 tháng 3, 2012

Khoa học viễn tưởng là bàn đạp để game “phá rào”

Nếu là một fan của thể loại bắn súng, chắc hẳn bạn đã từng lăn xả trên hỏa tuyến của thế chiến thứ 2 với seriesCall of Duty hay trổ tài xạ thủ trong Red Dead Redemption. Những tựa game này đều sở hữu những nét hấp dẫn riêng. Tuy nhiên, chúng có cùng một vấn đề - sự giới hạn về trí tưởng tượng. Đến một ngày thì mọi người cũng chán ngấy đề tài thế chiến và đó chính là lí do khiến dòng game Modern Warfare ra đời. 

Tuy nhiên, thảm cảnh này không chỉ tồn tại ở dòng game Call of Duty mà còn hiện hữu ở rất nhiều trò chơi khác. Không phải sản phẩm nào cũng có thể tìm được lối thoát như Call of Duty. Mặc dù vậy, may mắn là một số trong đó đã tìm được hướng đi mới của mình bằng phong cách khoa học viễn tưởng.




Ngoại trừ thế giới của Wanted thì một viên đạn không thể bay đường vòng. Những quy luật về vật lý của thế giới thực quy định điều này và nếu như bạn đang phát triển một tựa game đề cao tính chân thực hoặc bám sát các sự kiện của lịch sử thì việc bẻ cong đường đạn là một điều không bao giờ được xảy ra. Như một hệ quả tất yếu, những sản phẩm bị giới hạn trong hàng loạt ràng buộc cố hữu của thế giới quanh ta thì không bao giờ có thể để trí tưởng tượng được bay cao.

Hẳn bạn còn nhớ khẩu Gravity Gun kinh điển của Gordon Freeman trong Half-Life 2? Sự xuất hiện của món vũ khí độc đáo này đã thay đổi hoàn toàn lối chơi Half-Life 2 khiến nó không còn là một trò chơi hoạt động dựa trên cơ chế ngắm và bắn như bao trò chơi FPS khác. Hay một ví dụ khác lấy từ thời đại cổ xưa của một trong những trò chơi đặt nền móng cho game bắn súng - Doom. Khẩu BFG 9000 với sức tàn phá kinh hoàng của nó đủ sức khiến người chơi chẳng phải ngần ngại gì mà cứ liên tục tiến về phía trước để thổi tung đám quỷ dữ từ địa ngục.

Khi một trò chơi sử dụng đề tài khoa học viễn tưởng để thay đổi  những nền tàng cố hữu của thể loại FPS thì nó cũng đã thay đổi cách giải quyết vấn đề và tạo ra một cơ chế gameplay mới. BioShock có thể coi là một đại diện trong trường phái này. Bạn không chỉ dẹp bỏ những kẻ cản đường bằng súng đạn mà còn bằng những siêu năng lực đem đến từ các loại plasmid trong game. Kẹo đồng đương nhiên sẽ không thể hấp dẫn bằng một đàn ong hoặc khả năng đóng băng, phóng điện nướng chín kẻ địch.

Nếu bạn đã chơi Crysis 2 thì sẽ càng thấy yếu tố khoa học viễn tưởng sẽ thay đổi những thể loại khó cách mạng như FPS đến mức nào. Mặc dù cơ chế bắn của trò chơi này không thực sự được đánh giá cao nhưng những khả năng đặc biệt của bộ giáp nanosuit đã thay đổi hoàn toàn nhịp độ và tiết tấu của game. Bạn có thể thỏa sức tiến từng bước như xe tăng rồi xả súng vào những tên ngoài hành tinh hay tàng hình rồi lén lút luồn qua hàng phòng thủ của các toán lính tùy thích.

Đề tài về khoa học viễn tưởng cũng góp phần khiến thị giác của người chơi được dịp đổi món. Các nhà phát triển có thể tha hồ sử dụng những gam màu táo bạo để đem vào game của mình. Những đường đạn cũng sẽ hấp dẫn hơn khi mang nhiều màu sắc xanh đỏ tím vàng hơn là những tiếng vun vút vô hình. Có thể những người yêu thích đề tài quân sự trong thế giới thực sẽ không thích những trò chơi dạng như Mass Effect. Tuy nhiên, khẩu vị của game thủ bốn phương cũng vô cùng đa dạng và họ yêu cầu được “đổi món” thường xuyên.

Hơn nữa, việc áp dụng đề tài khoa học viễn tưởng đôi khi khiến một game bắn súng được thoải mái hơn về những yêu cầu chặt chẽ của thực tế. Lấy ví dụ điển hình là trong thế giới thực, các loại súng yêu cầu nhiều loại đạn khác nhau. Bạn không thể nhặt bừa một ổ đạn trên đường để bắn tiếp. Điều này có thể trở nên rất rắc rối trong việc phát triển game. Thế nhưng, Mass Effect lại mang đến một lý thuyết mới mẻ và hay ho hơn khi nói rằng các loại súng năng lượng của tương lai bắn không cần đạn, chúng chỉ cần những hộp có tác dụng làm mát để súng không bị nóng quá. 

Từ đó bạn chỉ việc chạy trên đường và nhặt tất cả những “ổ đạn” mình muốn mà không cần phải suy nghĩ nhiều. Mọi trò chơi đều cần có những trọng tâm riêng, trong trường hợp của Mass Effect thì chúng khiến game thủ tập trung vào việc tổ chức chiến thuật và bắn hạ kẻ địch. Trong God of War, bạn chỉ việc bấm nút để chiêm ngưỡng những đòn kết liễu rợn người của chiến thần Kratos thay vì quan tâm đến giải phẫu của một con quái vật rồi nghĩ xem cần phải tấn công vào vị trí nào của nó.

Từ trước những năm 2000, Final Fantasy VII khiến ngay cả những game designer lão thành, những người sau này làm ra hàng loạt tựa game RPG và FPS nổi tiếng bị bất ngờ không chỉ bởi sự đột phá về đồ họa mà về cả gameplay của nó. Lối tư duy logic của phương Tây khiến người ta phải bất ngờ khi bạn có thể tiêu diệt một con robot bọ cạp khổng lồ để nhận được... vài bình potion thay vì đống sắt vụn hoặc một vài món linh kiện hiện đại nào đó.

So với ví dụ của Final Fantasy VII thì đề tài khoa học viễn tưởng vẫn chưa thực sự là chân trời rộng mở cho toàn bộ thế giới của trò chơi điện tử. Tuy nhiên, bối cảnh này lại là điều kiện để các nhà làm game giữ được một tính hợp lý nhất định trong khi thể hiện sự sáng tạo của mình. Đối với những thị trường châu Âu hoặc Bắc Mỹ thì điều này là cần thiết bởi văn hóa của họ không quá thoáng như Nhật Bản. Ngược lại, ở xứ Phù Tang thì việc người ta làm ra một trò chơi mà nhân vật nữ mình hạc xương mai cầm trên tay một chiếc Warhammer quá khổ lại là chuyện bình thường.

Những điều tuyệt vời trên sẽ chẳng bao giờ có thể xảy ra trong một trò chơi mang bối cảnh thế chiến hay cao bồi nếu như nhà sản xuất không muốn thay đổi lịch sử và lồng ghép những yếu tố khoa học viễn tưởng vào game. Nói rạch ròi ra thì khoa học viễn tưởng chỉ là một công cụ để giải phóng cho những trò chơi điện tử ngày nay. Bản thân nó cũng là một thứ bị giới hạn so với biên giới bao la của trí tưởng tượng.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét